Phần Lan là một nơi tuyệt vời để sống, học tập và làm việc, tuy nhiên sự thật là chẳng nơi nào tuyệt đối hoàn hảo. Sau đây là những trở ngại mà hầu như du học sinh nào cũng phải tập làm quen với cuộc sống ở Phần Lan.
1. Học cách tận hưởng cái lạnh, bóng tối và tuyết trắng
Phần Lan nằm ở tận cùng cực Bắc nên không lạ gì khi vùng đất này có mùa đông kéo dài và khắc nghiệt. Đặc biệt, tháng 11 là thời điểm tối nhất trong năm – hầu như mặt trời không mọc hoặc lặn từ rất sớm, khiến cho ngày ngắn lại và khung cảnh tối tăm ảnh hưởng đến tâm trạng, dễ suy nghĩ tiêu cực.
Để vực dậy mỗi khi tinh thần chùng xuống, bạn nên nhớ rằng cơ thể rất cần vitamin D từ mặt trời để bổ sung cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Thế nên chúng ta cần chú ý bổ sung thực phẩm chức năng chứa vitamin. Uống cà phê vào buổi sáng sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn. Số liệu chỉ ra hằng năm 12 kg café/1 người được tiêu thụ ở Phần Lan – cao nhất trên thế giới. Café là thứ không thể thiếu trong văn hóa người Phần và bạn đừng ngạc nhiên nếu bỗng nhiên có sở thích uống café khi sống ở Phần Lan.
Bên cạnh đó, bước ra ngoài tận hưởng mùa đông ở Phần Lan với các hoạt động thú vị như tắm sauna, trượt tuyết/ trượt băng, đi câu cá trên sông băng, hoặc là tham gia các buổi tiệc BBQ ấm cúng giữa trời đông cũng là những cách làm hữu hiệu. Chớ ngại giao tiếp, dành thời gian bên cạnh bạn bè và quan trọng hơn là tự tìm niềm vui cho bản thân như bắt đầu một sở thích nào đó (làm bánh, quay vlog, viết blog…) cũng sẽ giúp bạn nhẹ nhàng đón nhận “giấc mơ tuyết trắng” của những tháng ngày sinh viên nơi xứ người.
2. Chi phí sống đắt đỏ? Học nấu nướng ngay từ bây giờ!
Ở Phần Lan, thuế trên đơn vị sản phẩm là 24% – cao hơn mức trung bình của các nước Châu Âu khác nên chi phí sinh hoạt cũng tỉ lệ thuận mà tăng cao. Sinh viên thường sẽ tự nấu ăn thường xuyên thay vì ăn ở ngoài với chi phí thực phẩm vào khoảng 40 – 50 euros. Do mức sống, thuế quan cao cộng với chi phí vận chuyển cao, mặt bằng giá hầu như đắt hơn dù được bán trong cùng một chuỗi siêu thị – ví dụ như LIDL (chuỗi siêu thị giá rẻ của Đức) hay chuỗi thức ăn nhanh Mc Donald’s.
Lưu ý là thức uống có cồn ở Phần Lan rất mắc. Nhiều du học sinh ở các nước châu Âu khác khi sang Phần Lan đã rất ngạc nhiên vì một chai rượu mua từ siêu thị với giá trung bình 17 euros. Những hôm nào muốn nhâm nhi bánh ngọt và uống cà phê ngoài quán, bạn sẽ phải chuẩn bị hầu bao từ 6-10 euros.
Về chi phí thuê nhà, lưu ý rằng khu vực trung tâm thường có giá rất đắt do thuộc sở hữu và quản lý độc quyền bởi các công ty tư nhân. Điều này dẫn đến giá nhà cao nếu bạn không còn là sinh viên hay có nhu cầu mua nhà.
Gía nhà cho sinh viên phổ biến từ 200 -500 euros/tháng (đã bao gồm tiền điện nước) tùy vào nhu cầu và phương án thuê nhà (chia nhà chung hay thuê studio riêng). Các sinh hoạt phí khác như ăn uống, thẻ đi lại sẽ ngốn của bạn tầm 200 đến 400 euros/tháng.
Kinh nghiệm từ du học sinh Việt Nam ở Phần Lan đó là hãy tiết kiệm chi phí ăn uống bằng việc tự đi chợ và nấu nướng ở nhà – điều này đồng nghĩa với việc bạn nên học nấu ăn ngay từ khi còn chưa cất cánh!
3. Du lịch quanh Châu Âu bằng máy bay giá rẻ
Vì đặc điểm địa lý, nếu bạn muốn đi du lịch sang các nước khác từ Phần Lan, bạn sẽ phải đi bằng phà hoặc máy bay (bạn có thể lái xa sang Nga, còn lại kể cả các nước sát bên như Thụy Điển hay Estonia bạn vẫn yêu cầu phải đi bằng phà). Xét về mặt tích cực, vị trí tách biệt này góp phần mang lại cho bạn một cuộc sống yên bình, ít đông đúc hơn các nước khác ở châu Âu.
Hơn nữa, giá vé máy bay du lịch trong Châu Âu cũng không quá xa rời tầm với. Chỉ từ 300 euros trở xuống là bạn đã có thể bay từ Bắc Âu sang Đông Âu, Tây Âu, đôi khi bạn còn có thể săn được vé tốt từ các hãng bay giá rẻ. Nếu muốn chu du châu Âu, cách tốt nhất là lên kế hoạch săn vé giá rẻ sớm nhất có thể và lên lịch trình sao cho thật bõ (vì mỗi lần đi là một lần khó mà!)
4. Rèn luyện kỹ năng nhằm tăng khả năng khi xin việc
Phần Lan đang phải đối mặt với số lượng người thất nghiệp tương đối cao. Tỉ lệ phần trăm số người thất nghiệp đến tháng 8/2018 ở đất nước này là 7,6%, so với 4,0% ở NaUy, 6,6% ở Thụy Điển và 3% ở Cộng Hòa Séc. Điều này đặt gánh nặng lên người lao động vì phải chịu mức thuế suất thu nhập cá nhân đến 51,6%. Bên cạnh đó, thị trường việc làm ở Phần Lan rất cạnh tranh và được nhận xét ít linh hoạt hơn do đất nước này phát triển mạnh về công nghệ và máy móc – đòi hỏi nhân lực càng phải có kĩ năng cao và thích ứng tốt.
Muốn hòa nhập vào thị trường việc làm ở Phần Lan, cá nhân sinh viên phải năng động tìm tòi và phát triển những kĩ năng và kiến thức cần thiết chuyên môn. Các ngành học về công nghệ và kĩ thuật đang rất triển vọng ở đất nước này, nếu chăm chỉ trau dồi thì cơ hội luôn rộng mở. Ngôn ngữ cũng là một phần quan trọng để bạn hòa nhập văn hóa và tăng khả năng xin được việc, đặc biệt liên quan đến ngành kinh doanh, y tá điều dưỡng.
5. Ngôn ngữ ít người nói – đòi hỏi trau dồi động lực học tiếng
Tiếng Phần Lan là một ngôn ngữ đặc biệt. Nó không hẳn là ngôn ngữ khó nhất, theo một cuộc khảo sát từ các nguồn tin cậy của trang Voxy (độ khó của tiếng Phần chỉ tương đương tiếng Việt) nhưng động lực học tiếng Phần lại không phổ biến do đất nước này chỉ vỏn vẹn 5,5 triệu dân.
Do đó bạn hãy suy nghĩ rằng việc học một ngôn ngữ mới cần sự kiên trì, tính liên tục và môi trường thực hành. Nếu lựa chọn du học Phần Lan, đây chính là cơ hội tuyệt vời nhất để trau dồi một ngôn ngữ không phổ biến – một trong những yếu tố sẽ giúp bạn tạo sự khác biệt trong quá trình xin việc sau này.
Tóm lại, du học sẽ giúp bạn nhận ra những điều mới mẻ không chỉ từ trường học, bởi cả những điều kiện bất lợi cũng góp phần giúp bạn trưởng thành khôn ngoan hơn. Thật ra dẫu đi du học ở đâu, du học sinh cũng sẽ đối mặt với một số khó khăn nhất định. Mục đích của bài viết này là đặt ra câu hỏi lớn cho các bạn trẻ: liệu bạn có đủ niềm tin để vượt qua những khó khăn trong giấc mơ trải nghiệm, tìm kiếm kiến thức và bản thân ở một nơi xa. Tin chắc rằng câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào tầm nhìn, cách suy nghĩ và thái độ sống của không ai khác ngoài chính bạn.